kientructhiennam@gmail.com

Hướng dẫn xây nhà – Hoàn thiện hồ sơ xây dựng, lựa chọn nhà thầu xây dựng

Bước 4: Hoàn thiện hồ sơ xây dựng, lựa chọn nhà thầu xây dựng

– Thực hiện xong bước 3, chủ nhà đã có trong tay các thành phần như sau: một bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công chi tiết hoàn chỉnh, một bộ dự toán thi công, giấy cấp phép xây dựng. Đây là cơ sở để tiếp tục tiến hành bước thứ 4 này. Tuy nhiên, nếu còn cảm thấy chưa yên tâm hoàn toàn về chất lượng của các hồ sơ kể trên, chủ nhà có thể tiến hành thủ tục kiểm định, kiểm tra lại các hồ sơ tại các đơn vị chuyên môn.

– Công việc tiếp theo là phải lựa chọn được một nhà thầu xây dựng hợp lý. Hợp lý có nghĩa là phải lành nghề, làm chất lượng tốt, giá cả hợp lý, thời gian thi công nhanh, thực hiện tốt an toàn lao động. Thực tế không phải dễ dàng để lựa chọn được một nhà thầu ưng ý, mặc dù số lượng nhà thầu xây dựng nhà ở tư nhân hiện tại là rất nhiều. Đối với phần lớn chủ nhà, biện pháp thông thường là hay hỏi người quen thân, nhờ họ giới thiệu cho các đội thầu đã được biết tiếng. Biện pháp này khá an toàn, mặc dù không phải lúc nào cũng thành công. Tất nhiên còn nhiều cách khác để tìm kiếm một nhà thầu tốt, nó tuỳ thuộc vào tầm hiểu biết, mối quan hệ và cách làm của mỗi chủ nhà.

Hiện nay có rất nhiều công ty xây dựng chỉ nhận công trình xong rồi bán lại cho thầu phụ (thầu chính giữ lại 12% – 20% giá trị hợp đồng, thầu phụ chỉ còn 80% – 88% giá trị hợp đồng) và điều này làm công trình kém chất lượng, chậm tiến độ và thầu phụ sẽ phát sinh nhiều để bù vào phần chênh lệch mà thầu chính đã ăn chặn. Thậm chí nhà thầu chính giam tiền của thầu phụ nên thầu phụ không có điều kiện thi công làm công trình dở dang, … Rất nhiều trường hợp cán bộ giám sát của nhà thầu chính vòi vĩnh tiền thầu phụ (thường 1% – 2% giá trị công trình) làm công trình càng tồi tệ hơn,…  Có một số trường hợp nhà thầu phụ còn bán công trình lại cho đội thợ khác, thường gọi là B” (B hai phẩy). Chủ đầu tư mà rơi vào các trường hợp này được coi như thất bại tòan diện, ngậm đắng nuốt cay,…

Ví dụ cho trường hợp bán thầu: Nếu nhà thầu chính nhận được công trình có giá trị 10 tỷ đồng. Nhà thầu chính mà bán thầu thì giữ lại 15% tương đương 1,5 tỷ. Nhà thầu phụ còn lại 10 tỷ – 1,5 tỷ = 8,5 tỷ (trên giấy tờ, thực tế không tới) và nhà thầu phụ cũng muốn kiếm lợi nhuận 10% tương đương 0,85 tỷ và thầu phụ còn bị cán bộ giám sát nhà thầu chính vòi vĩnh 1% tương đương 0,085 tỷ. Như vậy giá trị công trình chỉ còn 8,5 tỷ – 0,85 tỷ – 0,085 tỷ = 7,565 tỷ. Chưa kể trường hợp nhà thầu phụ đi rút tiền ở nhà thầu chính còn bị kỹ thuật + kế toán + thủ quỹ của nhà thầu chính gây khó dễ và thầu phụ bị mất thêm 1 khoản tiền chi phí đáng kể nữa. Từ đây nhà thầu phụ tìm cách rút bớt chất lượng công trình để bù vào các phần tiền bị mất. Trường hợp này chủ đầu tư chắc chắn nhận được công trình chất lượng kém, xuống cấp nhanh, tuổi thọ giảm đi nhiều,…

Trong khi đó nếu Quý khách hàng giao cho nhà thầu chính trực tiếp thi công (Quý khách nên chọn nhà thầu trực tiếp thi công) với lợi nhuận 10 % tương đương 1 tỷ. Giá trị công trình còn lại là 10 tỷ – 1 tỷ = 9 tỷ và điều này làm công trình tốt hơn rất nhiều so với trường hợp bán thầu (vì bán thầu giá trị công trình chỉ còn tối đa 7,565 tỷ, tất nhiên công trình sẽ có chất lượng kém). Nhà thầu phụ khó mà nhận đủ số tiền 8,5 tỷ từ nhà thầu chính. Thầu chính và một số cán bộ chủ chốt của thầu chính hay tìm lý do này, lý do nọ để trừ tiền và giam tiền thầu phụ. Chính các điều này làm thiệt hại rất lớn cho chủ đầu tư và khó khăn cho anh em công nhân tham gia xây dựng công trình (thầu phụ không đủ tiền để trả lương kịp thời cho công nhân…)

Nếu nhà thầu phụ (thường gọi là B’)mà bán thầu tiếp cho thầu khác (thường gọi là B”) thì giá trị công trình chỉ còn tối đa 6,3 tỷ. Trường hợp này chủ đầu tư chắc chắn nhận được công trình chất lượng rất kém, xuống cấp nhanh, tuổi thọ chỉ còn một nửa và vừa sử dụng vừa lo sửa chữa, thậm chỉ không dám sử dụng…

Giá thành xây dựng phụ thuộc vào năng lực, uy tín và trách nhiệm của mỗi nhà thầu. Nhà thầu có uy tín cao, trách nhiệm, sản phẩm có chất lượng tốt, thẩm mỹ tốt thì có giá hợp lý. Còn nhà thầu có năng lực yếu, thiếu trách nhiệm, không có uy tín thì luôn nhận giá thấp hơn và công trình có chất lượng kém , hay xảy ra sự cố. Vì vậy công trình nhanh xuống cấp, …

Chủ đầu tư không nên chọn nhà thầu có giá thấp (hầu hết là nhà thầu dỏm), bởi vì họ sẽ rút ruột công trình, làm công trình kém chất lượng và bày vẽ phát sinh để kiếm lợi nhuận. Nếu không làm được điều này, họ sẽ làm việc cầm chừng, kéo dài thời gian thi công và có thể bỏ ngang công trình bất cứ lúc nào. Một số nhà thầu bỏ giá thấp để nhử mồi khách hàng, một số khách hàng thấy giá thấp và chọn, như vậy sẽ rất tác hại. Bởi vì khi nhà thầu bỏ giá rẻ họ lại chọn vật liệu kém chất lượng để bù vào phần chênh lệch. Ví dụ: Họ chọn cát mịn, có lẫn tạp chất có giá rẻ hơn cát sạch có hạt lớn đến 60% giá thành. Khi mua thiết bị vệ sinh nhà thầu dỏm rút bộ xả xịn và thay bộ xả dỏm (giá thấp hơn 25%), rút nắp bồn cầu xịn thay nắp dỏm (giá thấp hơn 20% – 25%), Cửa sắt làm lọai sắt mỏng, cửa gỗ thì dùng lọai gỗ có chất lượng kém (giá thành lệch đến 30%) ống cấp thóat nước dùng lọai tổ hợp (rất nhanh bị lão hóa, tuổi thọ kém), các thiết bị điện cũng dùng lọai tổ hợp. Sắt thép thì dùng lọai tổ hợp (giá rẻ hơn thép nhà máy 12%) trà trộn vào thép nhà máy,….Các điều này làm công trình kém chất lượng, xuống cấp nhanh. Một điều hết sức quan trọng nữa là các nhà thầu dỏm hay đưa thiết kế hoặc các thỏa thuận trong hợp đồng không rõ ràng, thiếu nhiều hạng mục, các điều này quý khách không nằm trong nghề thì không thể biết được và đến khi công trình thi công quý khách sẽ thấy thực tế còn thiếu, bất hợp lý và yêu cầu chỉnh sửa, làm thêm thì sẽ đúng ngay ý đồ đen tối của nhà thầu dỏm và bắt buộc phải phát sinh làm giá thành đội lên bằng hoặc cao hơn giá thành của nhà thầu tốt. Mặt khác, khi quý khách chọn nhà thầu giá rẻ, thì họ không đủ điều kiện để lo về an toàn lao động cho công nhân, cho những căn nhà và con người xung quanh và dễ gây hậu quả xấu cho công trình và quý khách là người trước tiên phải gánh chịu. Khi chọn lầm nhà thầu, quý khách sẽ thấy hụt hẩng, ảnh hưởng không tốt đến công việc, cuộc sống.

– Sau khi lựa chọn được nhà thầu ưng ý, chủ nhà cần chuyển bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công cho nhà thầu xem để họ hiểu về căn nhà, góp ý vào một số chỗ bất hợp lý (nếu có), tạo điều kiện cho công tác khởi công xây dựng được tốt đẹp.

– Căn cứ vào hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công, nhà thầu sẽ dự tính và lên một bảng báo giá thi công chi tiết cho chủ nhà hoặc chủ đầu tư cũng có thể yêu cầu công ty xây dựng báo giá trên mét vuông sử dụng, trong đó đính kèm bản vẽ thiết kế có sẵn và bảng chủng lọai vật tư đầy đủ dùng cho công trình.

– Sau khi thống nhất được về báo giá thi công, chủ nhà bắt đầu tiến hành ký kết hợp đồng thi công xây dựng với nhà thầu.  Sau khi ký hợp đồng với nhà thầu xây dựng tốt, chủ đầu tư ứng tiền cho nhà thầu và nhà thầu nên mua ngay các lọai vật tư chính: Sắt thép, hợp đồng gạch xây, xi măng, các lọai cửa,… Như vậy mới an tòan cho công trình, không sợ bị trượt giá.

– Hiện tại có 03 hình thức hợp tác giữa chủ nhà và nhà thầu. Hình thức thứ nhất, là hình thức xây dựng trọn gói (chìa khoá trao tay), có nghĩa là chủ nhà bàn giao toàn bộ trách nhiệm về vật tư và nhân công xây dựng cho nhà thầu, để nhà thầu làm từ A – Z. Hình thức này được các nhà thầu ưng ý nhất (bởi vì nhà thầu chủ động được vật tư và chất lượng của nó để kịp tiến độ thi công), cũng làm chủ nhà giản tiện được công sức, không phải lo lắng nhiều về công trình của mình. Hình thức thứ hai, là chủ nhà lo một phần vật tư, nhà thầu lo nhân công và một phần vật tư còn lại. Các phần vật tư chủ nhà lo thường là các thiết bị vệ sinh, thiết bị bếp, gạch ốp lát, sơn nước, bả mastic, thiết bị điện, v.v… Hình thức này được khá nhiều người lựa chọn, với ưu điểm là chủ nhà có thể chủ động trong việc lựa chọn các thiết bị, vật tư mà hình thức là yếu tố chi phối lớn nhất, tránh tình trạng nhà thầu mua không ưng ý , tuy nhiên công sức và thời gian phải bỏ ra nhiều hơn. Hình thức thứ ba, chủ nhà lo toàn bộ vật tư, đội thầu chỉ lo về nhân công. Hình thức này thường chỉ được sử dụng khi chủ nhà có nhiều thời gian rảnh rỗi, và cũng có đôi chút kinh nghiệm về lựa chọn vật liệu xây dựng. Nhưng nếu chủ nhà không có kinh nghiệm, việc mua nhầm phải vật tư kém chất lượng, số lượng bị nhà cung cấp vật liệu gian dối có thể làm chi phí phát sinh nhiều hơn cả chi phí chênh lệch so với việc thuê nhà thầu mua giúp.  Hình thức thầu nhân công (hình thức thứ ba) chỉ có các đội thầu nhỏ làm .

Các nhà thầu tốt và lớn thường hợp đồng theo hình thức thứ nhất hoặc thứ hai.

Nếu chủ đầu tư chọn được nhà thầu chuyên nghiệp, nhà thầu tốt thì nên giao cho nhà thầu bao luôn vật tư, bởi vì nhà thầu tốt thường mua với số lượng lớn vật tư cho nhiều công trình, nên được các nhà cung cấp vật liệu bán với giá rẻ hơn chủ nhà tự mua và nhà thầu tốt là khách hàng thường xuyên của các nhà cung cấp vật liệu xây dựng nên các nhà cung cấp cũng không dám tráo hàng về chất lượng cũng như số lượng. Chủ đầu tư tự mua vật liệu sẽ trả giá cao hơn, dễ bị nhà cung cấp ăn gian về số lượng và chất lượng vật tư.

– Việc sắm vật tư có thể thực hiện sau bước 6, tuy nhiên hiện nay giá vật liệu xây dựng trên thị trường biến động không ngừng, việc chuẩn bị mua vật tư sớm có thể tránh tình trạng giá cả leo thang, tránh phát sinh chi phí, đồng thời có thể chủ động hơn trong việc tổ chức xây dựng. Vì vậy sau khi ký hợp đồng với nhà thầu xây dựng tốt , chủ đầu tư ứng tiền cho nhà thầu và nhà thầu nên mua ngay các lọai vật tư chính: Sắt thép, hợp đồng gạch xây, xi măng, các lọai cửa,… Như vậy mới an tòan cho công trình, không sợ bị trượt giá.

– Đối với vật liệu xây thô, yêu cầu kỹ thuật là hơn hết nên không quá cần thiết chọn vật liệu vừa chất lượng lại vừa có hình thức đẹp vì như thế sẽ tốn kém không cần thiết. Ví dụ xây móng nhà thì không nhất thiết phải chọn gạch xây dựng loại A, mà nên chọn gạch loại C vì gạch nung chín quá già, từng phần bị hoá sành, chịu nén tốt lại rất thích hợp cho móng của những ngôi nhà trên mảnh đất trũng. Còn đối với vật liệu hoàn thiện thì bên cạnh việc xem xét chất lượng cũng đừng bỏ qua hình thức của nó vì lớp vật liệu hoàn thiện này sẽ là “bộ mặt” cho ngôi nhà sau này. Gạch ốp, lát nền và tường có nhiều chủng loại và kiểu dáng khác nhau.

– Cũng trong giai đoạn này, chủ nhà cần làm một số công tác đối với hàng xóm, dân cư trong khu vực. Cụ thể nên sang nói chuỵên, xin phép về việc khởi công sắp tới, nhờ họ tạo điều kiện giúp đỡ trong quá trình xây dựng. Đồng thời cũng nên thẳng thắn đề nghị kiểm tra hiện trạng của các căn nhà trong khu vực xung quanh, để khi xây dựng, nếu làm ảnh hưởng đến nhà họ (rạn nứt kết cấu, lún sụt nhà,…) thì có cơ sở cụ thể để thương lượng đền bù, cũng tránh được tình trạng “đục nước béo cò”(trâu què thường trâu lành), có thể tình hình xuống cấp, hư hỏng nhà họ xảy ra trước khi nhà của mình được xây, nhưng mình vẫn phải chịu trách nhiệm,…

– Hiện nay trên cả nước có rất nhiều công ty xây dựng và các nhà thầu lớn nhỏ. Tuy nhiên số công ty xây dựng có kinh nghiệm và có lương tâm để làm tốt công trình thì không nhiều. Nên chúng tôi góp ý với Quý khách hàng cách chọn thầu như sau:

Nhà thầu xây dựng được chọn phải là nhà thầu được đào tạo ở trường Đại học chuyên ngành xây dựng (ví dụ Đại học Bách Khoa – khoa xây dựng,…) và đã qua quá trình làm việc nhiều năm ở công trình, đã xây dựng được nhiều công trình. Có như vậy, họ mới rút ra được nhiều kinh nghiệm nên làm điều gì để công trình được tốt (không lún , không nứt nẻ , không bị thấm sàn, tường, không bị trục trặc về hệ thống điện, không bị xì ống cấp thóat nước, … đẹp đẽ cho ngôi nhà và phù hợp phong thủy). Thiết bị thi công cũng phải đầy đủ và đội thợ phải lành nghề, chuyên nghiệp. Một điều cũng hết sức cần thiết ở đây là chủ thầu phải có lương tâm với nghề nghề nghiệp và công việc của mình. Trực tiếp thi công, không được bán thầu.

Quý khách lỡ chọn nhà thầu non kinh nghiệm, thiếu trách nhiệm, không có lương tâm thì công trình sử dụng không tốt, nhanh xuống cấp. Tiền mất, tật mang .

Chất lượng công trình phụ thuộc vào chất lượng vật tư và đặc biệt là kỹ thuật thi công. Nếu vật tư tốt mà kỹ thuật thi công yếu kém thì công trình có chất lượng không tốt. Chỉ có nhà thầu giỏi và có nhiều năm kinh nghiệm mới có kỹ thuật thi công tốt, vì vậy công trình đạt chất lượng tốt.

Quý khách cần lưu ý vấn đề sau đây: Với cùng một bản vẽ thiết kế, cùng loại vật liệu dùng cho công trình, thì nhà thầu có năng lực tốt, nhiều năm kinh nghiệm sẽ thực hiện công trình có chất lượng tốt hơn và đảm bảo đúng tiến độ thi công. Còn với thiết kế đó và cũng loại vật tư đó mà do nhà thầu thiếu kinh nghiệm, có năng lực yếu thi công thì chất lượng công trình sẽ kém hơn, thời gian thi công kéo dài, mức độ an toàn không đảm bảo. Tuy giá thành do nhà thầu có nhiều kinh nghiệm, năng lực tốt có thể cao hơn một ít so với nhà thầu non kinh nghiệm, năng lực yếu. Bù lại Quý khách chọn nhà thầu nhiều kinh nghiệm sẽ có sản phẩm tốt, tuổi thọ công trình cao hơn, không tốn tiền phải sửa đi sửa lại, …Tiền phải sửa đi sửa lại do chọn lầm nhà thầu yếu sẽ cao hơn phần chênh lệch giá và sản phẩm cũng không bền vững…

Để biết được nhà thầu tốt , nhiều kinh nghiệm,.. Quý khách nên phỏng phấn trực tiếp chủ thầu, xem giấy phép hành nghề có từ năm nào, xem các công trình họ đã và đang làm, hỏi thăm các chủ nhà trước về tính cách và sản phẩm của nhà thầu.

Gửi câu hỏi cho chúng tôi

Ý kiến của bạn